Đặc sản Hải Dương ngoài bánh đậu xanh nổi tiếng nhất thì Hải Dương còn nhiều món ngon đang đợi bạn đến khám phá đấy nhé!
Bánh đậu xanh:
Bánh đậu xanh Hải Dương có mùi rất thơm, vị bùi bùi, ngọt tan trong miệng, có chút beo béo mà không ngán của mỡ lợn cùng với tinh dầu man mán của hoa bưởi.
Tùy mỗi loại bánh mà có độ ngọt khác nhau. Ngày nay, người ta cho thêm vào nhân hạt sen, đậu đỏ, đậu phộng đáp ứng hết tất cả nhu cầu của thực khách.
Bánh gai Ninh Giang:
Mặc dù công thức làm bánh gai không quá cầu kỳ nhưng để làm ra chiếc bánh ngon phụ thuộc rất nhiều vào tỷ lệ trộn, phân chia nguyên liệu, chọn nếp, chọn lá gai, thời gian hấp bánh…
Chọn kỹ những thành phần ngon nhất thì khi bánh chín sẽ dẻo dai, mềm mại, thơm ngon khiến bao thực khách phải ngỡ ngàng.
Rươi Tứ Kỳ:
Mùa rươi bắt đầu vào tháng 8 âm lịch, rươi có thể được chế biến thành nhiều món ngon nhưng chả rươi là món được hầu hết mọi người yêu thích.
Miếng chả rươi thơm lừng đầy đủ vị chua cay mặn ngọt, có thể “đánh gục” những người có khẩu vị khó tính nhất. Vị ngậy ngậy, ngọt đậm của thịt rươi trộn với trứng gà và mùi thơm thanh thanh của vỏ quýt cộng với húng thơm hấp dẫn, lưu lại hương vị khó quên.
Bánh đa gấc Kẻ Sặt:
Từ những nguyên liệu giản dị như gạo, đường, đậu phộng, dừa… mà có thể làm nên một món đặc sản không thể không mua khi đến Hải Dương.
Bánh đa gấc gia truyền có màu vàng óng, ngày nay được cho thêm gấc vào nên có màu đỏ au bắt mắt. Bánh có vị bùi của gạo xen lẫn với mùi thơm của vừng, dừa nên cực kỳ kích thích.
Bánh dày Gia Lộc:
Bánh dày Gia Lộc có vị dẻo thơm của xôi nếp, màu xanh non của lá chuối hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị rất độc đáo.
Làm bánh dày tuy có ít công đoạn nhưng đòi hỏi phải là người có tay nghề cao. Bánh dày ăn kèm với giò lụa, xôi nén, ăn chung với chả là thứ quà sáng đặc trưng của người dân địa phương.
Vải thiều Thanh Hà:
Nổi tiếng không kém vải thiều Lục Ngạn là vải thiều Thanh Hà. Trái vải thiều Thanh Hà lớn cỡ ngón chân cái, làm thành chùm, vỏ màu đỏ sậm hơi sần sùi.
Bóc vỏ ra, bên trong là một lớp cùi trắng nõn, mọng nước và nhiều trái gần như không có hạt. Khi ăn, vị ngọt dịu mát, thơm của nước vải ngấm tận chân răng. Đặc biệt, mùi thơm của vải khi ăn xong vẫn còn vương vấn mãi.
Bún cá rô đồng:
Bún cá rô đồng Hải Dương ngon hơn nhiều nơi khác bởi cách chế biến nước dùng và thịt cá thơm ngon. Khi luộc cá, người ta bỏ vào luôn gia vị để thịt cá được thấm đượm, sau đó thịt cá phải được gỡ riêng. Xương cá được giã nhừ, lọi luộc kỹ rồi cho nước vào nồi nước dùng.
Nhất định phải là cá rô đồng, béo chắc, đủ to để gỡ được khổ thịt ưng ý mà không vụn quá. Rau cải cúc, rau cải xanh hay rau cần phải tươi non, làm sạch rồi cắt khúc đều chằn chặn. Trên bát bún cá, đặc biệt có thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm.
Bánh lòng Kinh Môn:
Cứ mối khi dịp xuân về trên bàn thờ tổ tiên lại xuất hiện món bánh lòng nổi tiếng. Ở xứ Kinh Môn này để làm ra miếng bánh ngon phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Bánh lòng khác biệt với những loại bánh làm từ gạo khác như bánh dày, chè lam… bởi vị ngọt dẻo bùi, thơm, cay nhẹ của gừng, bông gạo nếp cái, đậu phộng và đường quyện lại. Chính vì sự cầu kỳ và công phu như vậy nên ngày càng có ít hộ gia đình làm.
Đăng nhận xét